Gần 400 doanh nghiệp đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có mặt tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp sản xuất và cơ khí chế tạo (MTA Vietnam) diễn ra từ ngày 3 -7/7/2018 tại TPHCM.
Hàng loạt giải pháp sản xuất và thiết bị, công nghệ tân tiến của gần 400 doanh nghiệp đến từ các quốc gia như Anh, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan,… sẽ được trưng bày, như các thiết bị đo góc, kiểm tra tỷ trọng, đo lường, máy uốn, mài, con lăn nhiệt, dụng cụ thử màu, phần mềm đo lường chính xác,…
Tại buổi công bố MTA Vietnam 2018, do Công ty Dịch vụ triển lãm Singapore phối hợp với Công ty Tổ chức triển lãm VCCI tổ chức ngày 15/6 tại TPHCM, ông BT Tee - đại diện đơn vị tổ chức triển lãm - cho biết, điểm nhấn mới của MTA Vietnam2018 là có chuỗi gian hàng dành riêng cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. "Các doanh nghiệp này có thể trưng bày sản phẩm thuộc lĩnh vực cơ khí, máy công cụ và gia công kim loại tại triển lãm" - ông BT Tee nói.
Song song với hoạt động trưng bày, trình diễn công nghệ, MTA Vietnam 2018 còn tổ chức các hội thảo khoa học như Kết nối nhà máy và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; Phát triển nông nghiệp bền vững, cơ hội và thách thức của cách mạng 4.0 với chuỗi thực phẩm an toàn Việt Nam; Sáng tạo và đổi mới sản xuất trong cách mạng 4.0: Những cách tiếp cận và công cụ mới; Thiết bị máy thông minh của Đài Loan;…
Theo bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM, ngành cơ khí chế tạo có vị trí đặc biệt quan trọng, là cơ sở, động lực cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Tuy nhiên, một số sản phẩm đòi hỏi có trình độ phức tạp, độ khó cao như linh kiện cho các ngành sản xuất ô tô, xe máy,… Vì vậy, cần phải có sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài chuyên về lĩnh vực này, góp phần đưa ngành cơ khí chế tạo của TPHCM tham gia được sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm của các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới.
Bà Vân cho biết, TPHCM tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này. Mục tiêu của thành phố đến cuối năm 2018, sẽ thu hút nguồn vốn FDI cho ngành công nghiệp hỗ trợ thêm 4 tỷ USD. “Thành phố cũng đang triển khai đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015 -2025, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của thành phố”- bà Vân nói.
Tin tức khác
Kỹ sư Cơ khí – Ngành nghề có mức thu nhập đáng mơ ước tại Úc
Theo thống kê mới đây của PayScale – trang web của Mỹ cung cấp thông tin về lương, lợi ích và thông tin bồi thường, mức lương trung bình của một kỹ sư cơ khí tại Úc là 72.175Au (Đô-la Úc, đơn vị tiền tệ của Úc), tương đương với gần 1,3 tỷ đồng/năm.
PTN trọng điểm quốc gia Công nghệ Enzyme và Protein
Sau 15 năm hoạt động, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia công nghệ Enzyme và Protein KLEPT (Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) đã bước đầu trở thành một đơn vị có thể vừa làm tốt nghiên cứu cơ bản, vừa có nhiều sản phẩm ứng dụng và chuyển giao.